Năm 2020 thực sự là một năm với nhiều biến động đối với người lao động nói chung và các marketer nói riêng. Để có thể theo kịp với những xu hướng marketing mới, ta không thể chỉ dựa vào những phương pháp truyền thống được nữa mà còn phải tư duy sáng tạo, và chọn ra những kỹ thuật mới để gia tăng độ hiện diện của thương hiệu. Hiện nay, cuộc chiến online đang ngày càng căng thẳng hơn bao giờ hết trong những năm gần đây, nó không chỉ đơn thuần là xuất hiện trên trang web mà còn đòi hỏi bạn phải duy trì được độ hiện diện đa kênh (omnichannel).
Hiện diện đa kênh (omnichannel) là gì?
Đồng quảng bá thương hiệu (Co-branding)
Digital marketing cùng các influencer nhỏ và siêu nhỏ (Micro-Influencer Marketing)
Marketing trên các mạng xã hội mới
Xác định phân khúc khách hàng theo bối cảnh
Quảng cáo trên các chương trình audio
Quảng cáo trên video
Tạo email dễ sử dụng trên điện thoại
Ứng dụng công nghệ Thực tế tăng cường (AR) và Thực tế ảo (VR)
Hiện diện đa kênh (omnichannel) là gì?
Cách đây vài năm, digital marketing được định nghĩa đơn giản là tìm một nền tảng thích hợp rồi ưu tiên mọi hoạt động quảng bá tại đó. Ngày nay, khi có quá nhiều mạng xã hội với đủ loại cấu trúc độc đáo, việc lựa chọn đối tượng thích hợp nhất trở nên nan giải hơn rất nhiều. Điều này buộc chúng ta phải học cách quảng bá thương hiệu trên mọi kênh marketing và tận dụng chúng hết mức có thể.
Những chiến thuật digital marketing ứng dụng trên Facebook chưa chắc có thể dùng được với Pinterest. Vì vậy, nhằm thu hút tối đa sự quan tâm của khách hàng, chúng ta phải đưa thương hiệu xuất hiện trên cả hai mạng xã hội này với hiệu quả quảng bá tương đương nhau.
Sau khi đã hiểu rõ khái niệm về hiện diện đa kênh, chúng ta hãy cùng nhau điểm lại những xu hướng và thủ thuật digital marketing giúp doanh nghiệp của bạn quảng bá trong năm 2020 này.
Đồng quảng bá thương hiệu (Co-branding)
Mỗi khách hàng sẽ trung thành với một số lượng thương hiệu nhất định. Là một marketer, bạn sẽ đem lại tác động vô cùng lớn khi có thể gia tăng độ tương tác với khách hàng bằng cách kết hợp hai thương hiệu lại với nhau.
Lý giải cho khái niệm này, Sophia Bernazzani, chủ blog HubSpot Service* chia sẻ:
Một trong những ký ức tuổi thơ ngọt ngào nhất của tôi chính là bánh brownie mang hương vị si rô chocolate – một sản phẩm ứng dụng đồng quảng bá từ hai thương hiệu: Công ty thực phẩm Betty Crocker và nhà sản xuất chocolate Hershey. Đây là một sự kết hợp đầy thông minh của hai thương hiệu kinh điển nhằm mang đến một trải nghiệm tuyệt hảo cho cả hai đối tượng khách hàng đam mê làm bánh và yêu thích chocolate.
*HubSpot Service: Dịch vụ phần mềm khách hàng từ Hubspot giúp kết nối khách hàng và người quản lý trở nên dễ dàng.
Do đó, với xu hướng marketing 2020 này, bạn có thể kết nối doanh nghiệpcủa mình với những thương hiệu khác rồi đưa sự hợp tác này thành một chiến dịch marketing hoàn hảo thông qua các đoạn video, podcast, webinar. Dù đi theo cách nào, đồng quảng bá thương hiệu (co-branding) sẽ giúp bạn đi xa cùng với những khách hàng trung thành.
Digital marketing cùng các influencer nhỏ và siêu nhỏ (Micro-Influencer Marketing)
Nếu đã từng có kinh nghiệm với Influencer Marketing, bạn sẽ hiểu tại sao micro-influencer sẽ là một xu hướng phổ hiến trong tương lai gần. Việc tiếp cận những người có tầm ảnh hưởng lớn không phải lúc nào cũng dễ dàng, chưa kể đến việc họ có thể không sẵn lòng review sản phẩm của bạn. Vì vậy, khi ngân sách của bạn còn hạn hẹp, hãy nghĩ đến các influencer nhỏ, chỉ hoạt động trong phân khúc sản phẩm của mình mà thôi.
*Influencer Marketing: một hình thức marketing với trọng tâm đặt vào những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Các influencer này vẫn hội tụ đủ danh tiếng để tạo ra tầm ảnh hưởng, lại có thể tạo ra tỷ lệ tương tác cao bởi lẽ họ không chịu gánh nặng quảng cáo cho nhà tài trợ quá nhiều, do đó họ có đủ không gian để tương tác với khán giả của mình. Một nghiên cứu từ công ty marketing HelloSociety cho thấy những micro-influencer có khoảng 30,000 người theo dõi sẽ có độ tương tác cao hơn đến 60% và ít tốn kém hơn đến 6.7 lần so với các influencer có nhiều người theo dõi hơn.
Marketing trên các mạng xã hội mới
Từ khi khái niệm marketing trên mạng xã hội được hình thành, ta chủ yếu nhắc đến những nền tảng như: Facebook, Twitter, hay Instagram. Dù các mạng xã hội này vẫn là những cái tên dẫn đầu nhưng ta không thể phủ nhận rằng hiện nay đã có nhiều tân binh đang trỗi dậy cùng với sự hưởng ứng của giới trẻ trên khắp thế giới như: Snapchat, Pinterest, Reddit, Medium, hay gần đây nhất là Tik Tok.
Vì lẽ đó, khi cân nhắc xây dựng một chiến dịch marketing, ta cần phải nghĩ cách hoạt động trên mọi trang mạng xã hội thay vì chỉ chăm chăm vào một hai trang đơn lẻ. Không chỉ vậy, các nền tảng video ân nhạc như TikTok cũng có thể được đưa vào danh sách những platform tiềm năng để quảng bá sản phẩm của bạn.
Xác định phân khúc khách hàng theo bối cảnh
Ta không thể kì vọng sẽ đạt được lượng click cao khi chỉ phát một đoạn quảng cáo tới mọi khách hàng, bởi không phải ai cũng có nhu cầu xem sản phẩm mà bạn phát. Thay vào đó, khi xác định phân khúc khách hàng theo bối cảnh, bạn có thể lựa chon phát quảng cáo trên các trang web có thông tin liên quan tới sản phẩm của mình. Khi ấy, tỉ lệ người xem quan tâm đến đoạn quảng cáo sẽ cao hơn vì họ đã sẵn có hứng thú với sản phẩm ngách (product niche) này.
Quảng cáo trên các chương trình audio
Mức độ phổ biến ngày càng cao của các chương trình podcast và audio đã đưa các kênh truyền thông này trở thành một mảnh đất màu mỡ mới trong cho digital marketing. Lợi ích của quảng cáo trên các chương trình audio này chính là bạn có thể đưa quảng cáo vào nội dung chương trình.
Bạn có thể tùy chọn hình thức quảng cáo theo dạng banner với tên và thương hiệu (companion), quảng cáo xuất hiện lần lượt theo diễn biến của audio (ad pods), quảng cáo trước khi phát audio (pre-roll ads) hay quảng cáo phát giữa video (mid-roll ads). Hiện nay đã có nhiều công ty như Google, Rubicon Project*, SoundCloud và BBC có tính năng quảng cáo trên audio.
*Rubicon Project: Công ty công nghệ quảng cáo trực tuyến của Mỹ có trụ sở tại Los Angeles, California.
Quảng cáo trên video
Mọi mạng xã hội đều nhấn mạnh vào nội dung của các video. Thậm chí, một số công ty còn tìm cách tích hợp mua sắm online vào các video.
Bạn có thể xem xét đến các phương thức quảng cáo video truyền thống, ví dụ như đăng quảng cáo trên Youtube. Ngoài ra, bạn cũng có thể phối hợp với nhiều thương hiệu khác trên Facebook và Instagram để quảng cáo thương hiệu của mình.
Tạo email dễ sử dụng trên điện thoại
Việc người dùng chuyển qua truy cập mạng bằng điện thoại di động đã dẫn đến sự thay đổi của toàn bộ ngành marketing email. Email cần được thiết kế sao cho dễ sử dụng trên điện thoại, tối giản hóa và phải đặt nút kêu gọi hành động (Call to action*) ở vị trí thuận mắt. Một điểm quan trọng khác là nên tránh dồn quá nhiều nội dung vào một email. Thay vào đó, ta có thể thiết kế chiến dịch marketing theo cách gửi lần lượt nhiều email để truyền bá thông tin theo lịch trình rõ ràng.
*Call to Action (CTA): lời kêu gọi khách hàng thực hiện một hoạt động mong muốn. Ví dụ: CTA của Netflix: Join Free for a month, nhằm kêu gọi khách hàng ấn vào để đăng ký dùng thử một tháng.
Ứng dụng công nghệ Thực tế tăng cường (AR) và Thực tế ảo (VR)
Nếu là một thương hiệu kinh doanh online, bạn chắc hẳn đã nghe qua việc áp dụng AR và VR để khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm của mình hơn. Khi ứng dụng hai công nghệ trên, ta có thể thu hút sự chú ý từ những người vẫn còn hoài nghi về chuyện mua hàng online bằng cách mang đến cho họ cơ hội trải nghiệm các sản phẩm trước khi quyết định đặt mua.
Một điểm không thể bỏ qua khi áp dụng tất cả các thủ thuật trên đó là hãy chú trọng đến thái độ giao tiếp. Thế giới hiện đang trải qua một đợt thay đổi quy mô lớn trong năm 2020, do vậy ta cần phải nắm rõ tâm lý khách hàng trước khi bắt tay vào quảng bá một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Một thái độ chân thành, cảm thông chắc chắn sẽ đưa thương hiệu của bạn tiến xa hơn trong tương lai.
Translator: Quỳnh Châu
Editor: Huyền Chi
Bài gốc: Forbes
Vui lòng dẫn nguồn link ECOMME khi chia sẻ bản dịch ~ From ECOMME with LOVE!