logo (30)

Để xây dựng nên một gã khổng lồ của ngành thương mại điện tử, chúng ta không cần những bộ não toán học thiên tài, những nhân viên toàn năng hay thậm chí kế hoạch kinh doanh cũng không nốt. Nếu vậy, đâu là yếu tố quan trọng ở đây? Dưới đây là câu chuyện “tay không làm giàu” của Jack Ma – Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản khổng lồ 35 tỷ đô la và là một trong những người giàu nhất thế giới.

Jack Ma sinh năm 1964. Khi còn là một cậu bé, ông đã làm mọi thứ có thể để học tiếng Anh. Mỗi buổi sáng lúc 5 giờ, ông đạp xe 40 phút đến một khách sạn quốc tế ở quê nhà và gặp gỡ khách du lịch ở đó. Ông trở thành hướng dẫn viên du lịch và đưa du khách đi thăm ngoạn khắp nơi trong thành phố của mình và đổi lại họ sẽ trao đổi và dạy tiếng Anh cho ông. Bất kể khi trời đầy mưa và tuyết, ông vẫn đợi bên ngoài khách sạn ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác để được gặp gỡ những người bạn ngoại quốc của mình. Một ngày nọ, ông may mắn gặp gỡ được một gia đình người Úc và sớm kết thân với họ. Sau thời gian quen biết, cuối cùng họ mời ông đến trời Tây của đất nước Úc để tham ngoạn. Khi đặt chân đến đây, ông đặc biệt ấn tượng với mức sống cao của người dân nơi này so với đại lục Trung Quốc nơi mà ông sinh sống.

“Ông vua thất bại” của những kì thi
“Chúng tôi muốn thống trị cả thế giới”
Trực giác quan trọng hơn kiến thức sách vở
“Tôi không giỏi công nghệ”

“Ông vua thất bại” của những kì thi

Tiếng Anh của ông ngày càng tiến bộ, nhưng học lực môn Toán rất kém đến nỗi ông chỉ đạt tối đa 1/120 điểm của bài kiểm tra đầu vào đại học tiêu chuẩn. Ông phải thi lại nhiều lần nhưng số điểm lại không mấy cái thiện. Thậm chí, ông không thể đậu đại học vì điểm trung bình quá tệ. Tuy nhiên, Jack Ma vẫn tiếp tục kiên trì và cuối cùng đậu vào trường Cao đẳng Sư Phạm. Năm 1988, ông nhận bằng cử nhân tiếng Anh và tìm được một công việc giảng dạy.

Trong chuyến đi đến Seattle vào năm 1995, một người bạn đã giới thiệu với Jack Ma về Internet. Lần đầu tiên nhìn thấy “phát minh kỳ diệu” này đã khiến ông nảy ra ý tưởng gầy dựng tương lai cho riêng mình. Bằng trực giác nhạy bén, ông nhìn nhận ra vai trò và tầm quan trọng của Internet trong những năm tới. Cùng năm đó, ông thành lập công ty China Yellow Pages đi đôi với châm ngôn: “Đấu tranh để tìm ra sự tồn tại”. Ông dành toàn bộ tài sản và tâm huyết để tạo lập công ty, thậm chí không còn dư chút ít tài sản nào.Văn phòng làm việc của ông vỏn vẹn chỉ có một phòng đơn với một chiếc bàn và một PC rất cũ ở giữa.

Vào thời điểm đó, vấn đề lớn nhất gặp phải là không thể truy cập Internet ở Hàng Châu. Bất cứ ai khác cũng sẽ từ bỏ ý tưởng khởi nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng Jack Ma thì khác. Ông chia sẻ với tất cả bạn bè của mình về tiềm năng vượt trội của Internet và thuyết phục một trong số họ ủy quyền để ông thiết kế trang web. Ông dịch dữ liệu thông tin các công ty sang tiếng Anh và gửi qua đường bưu điện tới Seattle – Nơi đầu nguồn của các trang web. Sau đó, bạn bè của ông gửi các thông tin liên quan đến Trung Quốc để ông làm việc với khách hàng của mình. Sau những nỗ lực đáng kể, Jack Ma đã thuyết phục thành công các đối tác kinh doanh ở quê nhà chi số tiền khoảng 20.000 nhân dân tệ (khoảng 2.400 USD) để ông thiết kế trang web cho công ty của họ. “Tôi đã bị đối xử như một kẻ lừa đảo trong suốt ba năm ròng rã”, đó là cách mà Jack Ma xúc động nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp.

“Chúng tôi muốn thống trị cả thế giới”

Trong những năm tiếp theo, Jack Ma kiên trì đổi mới liên tục các mô hình kinh doanh của mình. Năm 1999, ông thành lập Tập đoàn Alibaba với tư cách là một nền tảng kinh doanh thương mại điện tử. Jack Ma xúc động chia sẻ: “Mọi thứ ban đầu không dễ dàng gì. Tuần đầu tiên, chúng tôi có bảy nhân viên. Chúng tôi mua và bán sản phẩm của chính mình. Tuần thứ hai, có ai đó bắt đầu bán hàng trên trang web điện tử và chúng tôi đã mua tất cả mọi thứ họ bán. Chúng tôi có hai phòng chứa đầy đủ những thứ đã mua mà không sử dụng bao gồm cả rác để chứng minh rằng công ty đang hoạt động trong 2 tuần đầu”.

Từ những ngày đầu lập nghiệp, Jack Ma đã nuôi dưỡng những ý tưởng táo bạo và đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng. Ngay sau khi thành lập công ty, ông chia sẻ với một nhà báo rằng: “Hiện chúng tôi không hướng đến vị trí số một tại Trung Quốc mà là thống trị cả thế giới”. Với câu hỏi: Trong năm hoặc mười năm tới, Alibaba sẽ đứng ở đâu trên bản đồ thế giới? Ông tự tin trả lời rằng: “Đối thủ cạnh tranh của chúng tôi không phải là các công ty ở Trung Quốc mà là các tập đoàn ở Silicon Valley… và thế là chúng tôi quyết định xây dựng phiên bản trang web quốc tế cho Alibaba”.

Jack Ma cố gắng huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm của Palo Alto ở Thung lũng Silicon. Các nhà đầu tư mong đợi ông trình bày một kế hoạch phát triển kinh doanh đầy đủ để thuyết phục họ. Nhưng Jack Ma lại giống như Bloomberg, Google và rất nhiều nhà sáng lập công ty thành công khác, không hề có kế hoạch kinh doanh cụ thể. Ông từng chia sẻ: “Chiến lược kinh doanh của chúng tôi là tay không đánh giặc”.

Không may, thoạt đầu các nhà đầu tư không hiểu rõ đường lối kinh doanh của Jack Ma. Tuy nhiên, Ma vẫn không ngần ngại thừa nhận rằng: “Chúng tôi không có một mô hình kinh doanh cụ thể nào cả. Nếu bạn xem xét công cụ tìm kiếm Yahoo!, cửa hàng trực tuyến Amazon, trung tâm đấu giá eBay hay thị trường điện tử Alibaba thì Yahoo!, Amazon vẫn chưa phải là những mô hình kinh doanh hiệu quả nhất và chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm ra điểm nổi bật của các công ty này”. Không lâu sau đó, nhờ vào ý chí và sự kiên định, ông đã thuyết phục thành công một nhân viên quản lý thị trường Trung Quốc của tập đoàn Goldman Sachs đầu tư 5 triệu đô la vào công ty của mình.

Trực giác quan trọng hơn kiến thức sách vở

Ý tưởng kinh doanh của Jack Ma là một điển hình cho thấy: Trực giác kinh doanh và tinh thần sẵn sàng thích nghi với những ý tưởng mới quan trọng hơn nhiều so với kiến thức sách vở được dạy trong các khóa học quản trị kinh doanh trên thế giới. Trong một bài giảng, ông chia sẻ: “Không cần thiết phải học MBA vì hầu hết kiến thức liên quan đều không hữu dụng trong thực tiễn. Trường học chỉ dạy kiến thức học thuật còn kinh doanh đòi hỏi sự khôn ngoan. Vì vậy, chúng ta có thể rèn luyện trí tuệ và tích lũy kiến thức thông qua gian khó”.

Các bài nghiên cứu về kinh doanh đã chứng minh phần nào “Triết lý Jack Ma”: Thành công của một doanh nhân không phải là kết quả của việc học tập hay kiến thức sách vở mà là sản phẩm của quá trình trải nghiệm bằng trực giác và cảm nhận. Tuy nhiên, khả năng phán đoán này không phải thứ gì đó thần bí mà rõ ràng được tích lũy thông qua quá trình trải nghiệm và là sự kết hợp của sự kiên trì và sẵn sàng thử nghiệm cái mới.

“Tôi không giỏi công nghệ”

Theo Jack Ma, không cần thiết phải giỏi kiến thức công nghệ mới có thể trở thành một doanh nhân thương mại điện tử. Trong một bài diễn văn vào năm 2014, ông chia sẻ rằng: “Tôi không giỏi công nghệ. Tôi đang điều hành một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc và trên thế giới nhưng tôi không biết gì về máy tính cả. Tất cả những gì tôi biết chỉ là cách gửi, nhận email và phê duyệt”.

Jack Ma khởi nghiệp là một nhà thiết kế trang web, sau đó chuyển sang lĩnh vực thương mại điện tử và tiếp tục phát triển mô hình kinh doanh của mình theo những hướng mới. Năm 2003, ông thành lập Taobao – Trang web mua sắm dành cho người tiêu dùng lớn nhất Trung Quốc. Thoạt đầu, các nhà kinh doanh và đầu tư hoài nghi sự phát triển của Alibaba vì trong nhiều tháng liền các hoạt động vẫn chưa mang lại lợi nhuận. Thêm vào đó tại thời điểm này rất khó khăn để huy động nguồn vốn mới từ các công ty đầu tư mạo hiểm. Vì vậy, Jack Ma đã tự đặt câu hỏi với chính mình rằng: Liệu Alibaba có nên tự mở ra cho mình một thương trường mới trước khi đánh bại cuộc chiến thương mại điện tử (B2B) giữa các doanh nghiệp hay không? Mặc dù lúc bấy giờ nhiều người cho rằng Jack Ma đã quá thận trọng khi đưa ra quyết định này nhưng ông đã đúng. Vào năm 2007, ông đánh bại eBay – Đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của Alibaba. Đối mặt với tình thế khó khăn, eBay buộc phải giải thể các công ty ở Trung Quốc vì không nắm được mạch máu thị trường bao gồm cả tâm lý của một số lượng lớn các nhà bán hàng nhỏ lẻ sử dụng Taobao ở Trung Quốc. Năm 2004, Jack Ma tiếp tục thành lập Alipay – Dịch vụ thanh toán Internet lớn nhất thế giới.

Jack Ma đã và luôn nuôi dưỡng những ý tưởng mới. Ngay từ những ngày đầu tiên, theo như ông chia sẻ trên một diễn đàn vào năm 2004, “Những nhà kinh doanh phải hiểu rõ một điều rằng: Con đường phía trước sẽ đầy rẫy những khó khăn và thất bại thay vì chỉ có mật ngọt hay hương hoa. Sau hơn 1 thập kỷ “mày mò” về kinh doanh đã giúp tôi nhận ra một điều rằng: “Vào những thời điểm khó khăn, chúng ta không thể trốn tránh hay nhờ cậy người khác gánh vác trách nhiệm cho mình. Là một doanh nhân, bạn phải luôn sẵn sàng đối mặt với khó khăn và nếu thất bại cũng đừng nản lòng bỏ cuộc”.


Translator: Trương Thị Bích Trâm

Editor: ECOMME

Bài gốc: Medium

Vui lòng dẫn nguồn link ECOMME khi chia sẻ bản dịch ~ From ECOMME with LOVE!