Tôi nhận thấy một thực tế phổ biến. Các tác giả, nhạc sĩ hay những người sáng tạo nội dung đều rất cố gắng tìm ra cách nhanh nhất để có được số lượng lớn độc giả quan tâm tới sản phẩm họ. Khi làm marketing, (tôi xin phép gọi việc thu hút độc giả đến bài viết bằng thuật ngữ “kéo traffic” trong bài này), đa phần mọi người hay tìm kiếm những thứ như “tips để có nhiều traffic, tips để viral, 15 cách giúp cho bài viết của bạn tiếp cận được nhiều người hơn, hay những cách để tăng traffic hiệu quả… Tất cả những kiến thức này đều chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề, trong khi cái mọi người cần quan tâm hơn là nội dung nền tảng.
Vì sao tôi biết à, ngày xưa tôi cũng từng làm vậy rồi và cách đó không hiệu quả.
Năm 16 tuổi tôi có viết một bài báo về “trạng thái tỉnh thức”(mindfulness). Tỉnh thức giống như sự giác ngộ trong đạo Phật. Nó tập trung vào khả năng nhận thức rõ ràng những gì đang làm ở thực tại. Trạng thái tỉnh thức có thể xuất hiện một cách tự nhiên trong cuộc sống, khi bạn tập trung tận hưởng bữa tối thay vì việc vừa ăn vừa nghĩ về những chất độc có trong thực phẩm hay về việc dáng hình của mình sẽ to lên từng ngày.
Tỉnh thức là một chủ đề khó, hồi đó tôi chẳng biết gì nhiều, chỉ nghe mọi người nói qua. Tôi đăng bài viết lên, chờ đợi và kết quả mọi người cũng đoán được rồi đấy, không có lượt xem nào cả.
Năm tôi 14 tuổi, tôi và 4 đứa bạn thân hẹn gặp nhau tại một studio sản xuất âm nhạc gần nhà. Chúng tôi vội vàng viết nhiều bài hát nhất có thể, ra mắt album đầu tiên trong vai trò là một nhóm nhạc. Chúng tôi hi vọng số lượng người hâm mộ sẽ tăng lên. Thế nhưng sự thực lại không như vậy. Chẳng một ai cảm thấy thích thú, dù chỉ là một chút với bài hát của chúng tôi. Không một ai mời chúng tôi biểu diễn tại chương trình của họ hay mời ký hợp đồng thu âm, bất kể chúng tôi có nỗ lực quảng cáo bao nhiêu đi nữa.
Tại sao tôi lại thất bại trong cả 2 trường hợp trên?
Câu trả lời rất rõ ràng. Vấn đề ở đây không phải là tôi làm tệ mảng marketing hay thị trường quá bão hòa, cũng không phải việc tôi cần quảng cáo hình ảnh bản thân nhiều hơn trên mạng xã hội.
Vấn đề của tôi cũng như bao người khác chính là làm nội dung chưa đủ tốt.
Có một sự thật chưa được tiết lộ mà không ai muốn nghe về nó
Không ai muốn người khác chỉ vào mặt mà bảo rằng họ chưa đủ tốt, tôi biết. Nhưng nghe này, nếu bạn chỉ đơn thuần tìm cách tăng số người biết đến sản phẩm của mình mà quên mất việc cải thiện chất lượng nội dung hơn mỗi ngày thì quả thật là sai lầm.
Điều chúng ta cần làm là thu hút độc giả, muốn vậy thì nội dung phải thật sự chất lượng. Vấn đề là, chúng ta quá tập trung vào việc cố gắng tìm ra một công thức thành công nhanh chóng và dễ dàng – Cái gọi là những chiêu “hack” để tạo ra độc giả ngay tức khắc. Chúng ta hăm hở lao vào tìm kiếm một phương thức thần thánh giúp mang lại số lượng view, like hay share khổng lồ, một cách nhanh nhất, và đương nhiên phải miễn phí nữa.
Khi nói đến chuyện viết lách, người ta hay nhìn vào những tấm gương phi thường như Hemingway hay Orwell, cố gắng làm theo những gì họ làm và mong mỏi rằng những nỗ lực bắt chước ấy sẽ tăng lượng độc giả.
Bí quyết ở đây là: Không gì cả!
Bạn có nghĩ rằng Hemingway ngồi trên bàn làm việc cả ngày như một gã nghiệp dư, nỗ lực tìm ra cách để len lỏi vào các trang báo chính thống, hay đánh bóng tên tuổi bằng những chiêu trò rẻ mạt? Bạn có nghĩ Orwell khởi nghiệp bằng việc làm theo những gì Dickens và Austen đã làm trong nhiều thế kỷ trước đó, bắt “trend” để lừa thiên hạ đọc nội dung của anh ta?
Dĩ nhiên là không.
Họ liên tục rèn luyện. Họ viết mỗi ngày. Họ đọc tất cả tài liệu của các chuyên gia cho đến khi họ trở nên tinh thông các kỹ năng. Và vì vậy, các tác phẩm của họ đã trở thành kinh điển trong hàng trăm năm ngay từ khi được xuất bản. Điều đó tất nhiên không phải vì họ đã khám phá ra một bí mật hay tìm ra một công thức, mà bởi các tác phẩm của họ khiến mọi người muốn đọc chúng.
Ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, chúng ta thường đầu tư cho việc tìm kiếm bí quyết, học thuộc lòng các thuật toán và chi tiền cho việc quảng cáo bản thân trên mạng xã hội thay vì chú tâm cố gắng cải thiện bài viết của mình.
Tuy nhiên sẽ có một vấn đề nếu làm như vậy.
Chúng ta có thể thu hút mọi người nhấp vào đọc thời gian đầu. Họ có thể sẽ tò mò bởi những tiêu đề đậm tính lá cải giật gân, nhưng chuyện này không kéo dài được lâu. Độc giả sẽ không gắn bó và tương tác nếu nội dung không phù hợp và không đáng để đọc.
Để việc viết lách trở thành một nghề nghiệp bền vững, chúng ta cần tập trung vào việc cải thiện kỹ năng viết tốt hơn, và nghĩ đến chuyện cung cấp giá trị nhiều hơn.
Tập trung vào điểm mấu chốt
Nếu các bài viết của bạn không có lượt view, like hay không một ai phản hồi nội dung của bạn – Liệu có phải đã đến lúc bạn cần tìm cách marketing hiệu quả hơn? Hay do bạn đăng bài ít quá ư?
Khi ta vừa viết vừa kỳ vọng điều đó tạo dựng đượ tên tuổi, ta dần đánh mất sự kiên nhẫn. Chúng ta bị ám ảnh với traffic của bài viết thay vì nỗ lực viết ra những bài chất lượng.
Có lẽ vấn đề chưa bao giờ nằm ở việc marketing. Thực chất cái cần ở thời điểm này là cải thiện kỹ năng viết cho thuần thục và cuốn hút hơn.
Trong giai đoạn đầu, giữa và cuối của quá trình, cải thiện kỹ năng viết nên là trọng tâm chính của bạn. Chắc chắn là vẫn phải tiếp tục thể hiện hình ảnh bản thân trên mạng xã hội, quảng bá nội dung ở các kênh khác nhau để kéo tương tác, tuy nhiên đừng quên rèn luyện khả năng viết, nghiên cứu thông tin mỗi ngày.
Khi mọi người yêu thích nội dung mà bạn tạo ra, họ sẽ có phản hồi. Ví dụ như họ sẽ ấn thích “story” trên Facebook của bạn chẳng hạn.
Họ sẽ ủng hộ bạn một cách chân thành và dài lâu. Những độc giả đến vì giá trị này rất khác với nhóm nhấn ‘like” chỉ vì những trò lừa phỉnh nhấp chuột rẻ tiền hay tình cờ xem được quảng cáo khi lướt newsfeed. Họ gắn bó với bạn và nội dung của bạn lâu hơn, mức độ tương tác cao hơn và tích cực hơn. Họ sẽ ủng hộ bạn vì họ thích những gì bạn tạo ra. Chính xác là như vậy.
Translator: Nguyễn Thanh Hiền
Bài gốc: Medium
Vui lòng dẫn nguồn link ECOMME khi chia sẻ bản dịch ~ From ECOMME with LOVE!