logo (30)

Từng là công ty được tin tưởng có thể thay đổi cả thế giới, kết cục lại biến thành một trong những cú lừa ngoạn mục nhất trong lịch sử. Theranos chính là một công ty như vậy.

PHẦN 1 – ELIZABETH VÀ SỰ HÌNH THÀNH CỦA THERANOS
STEVE JOBS THỨ HAI
‘SUNNY’ VÀ NHỮNG GIAN LẬN NGÀY MỘT TĂNG
NGÀY TÀN ĐÃ ĐẾN
ELIZABETH VÀ THAM VỌNG
PHẦN 2: SỰ THẬT LUÔN CHIẾN THẮNG
HẾT GIỜ!
PHẦN KẾT

Theranos được thành lập năm 2003 bởi Elizabeth Holmes, người đã bỏ ngang đại học Standford. Công ty này đã lừa gạt số tiền đầu tư hơn sáu trăm triệu đô la. Theranos hứa hẹn mang đến công nghệ đột phá trong xét nghiệm máu, có thể thực hiện hàng trăm xét nghiệm chỉ từ một mẫu thử được lấy ngay tại nhà.

Tuy nhiên, video này không phải là một câu chuyện thành công hay truyền cảm hứng. Đây là câu chuyện về lừa gạt, gian lận, thao túng và một CEO bất chấp tấp cả để đạt được mục đích. Đây là câu chuyện về Theranos, một công ty từng trị giá chín tỉ đô la và quá trình suy tàn, thành một trong những thảm họa lớn nhất lịch sử thung lũng Silicon.

Vậy chính xác thì Theranos là gì và tại sao mọi việc lại đổ bể đến vậy?


PHẦN 1 – ELIZABETH VÀ SỰ HÌNH THÀNH CỦA THERANOS

Elizabeth Holmes được sinh ra trong một gia đình đầm ấm có gia giáo. Từ khi còn nhỏ, Elizabeth đã nhận ra ước mơ của mình là trở thành một tỷ phú. Ở tuổi 18, trong một chuyến đi của trường Stanford đến Trung Quốc, bà gặp gỡ người đàn anh lớn hơn mình 20 tuổi tên Sunny Balwani. Sunny là người nhập cư gốc Pakistan, thời điểm đó người đàn ông này đã đạt được một số thành tựu nhờ kinh doanh trong thời kỳ bùng nổ internet năm 1999 đồng thời bỏ túi 40 triệu đô la. Sunny có mọi thứ mà Holmes muốn. Elizabeth Holmes tham vọng tiền bạc và địa vị trong vai trò một Founder thành công. Đổi lại Sunny Balwani muốn có vị trí quan trọng trong công ty của Elizabeth.

Trong một chuyến đi khác đến châu Á, Elizabeth chứng kiến sự bùng nổ của dịch SARS. Từ đó, bà bắt đầu tham vọng thay đổi thế giới. Khi trở về, Elizabeth Holmes không hề rời phòng trong suốt 5 ngày và chỉ ngủ 2 giờ mỗi đêm để suy nghĩ về một ý tưởng sáng chế. Ý tưởng này chính là thiết bị lấy mẫu thử có thể mang theo người. Mẫu thử này có thể liên tục xét nghiệm máu của bệnh nhân và cho biết lượng thuốc chính xác ngay lập tức.

Tràn ngập quyết tâm, Elizabeth bỏ dở việc học ở Standford ở tuổi 19 để bắt đầu công ty của mình. Những ngày đầu thành lập cũng không hề sáng lạn, văn phòng công ty nằm ở một vùng nổi tiếng thường xuyên có xả súng trong thành phố. Elizabeth từng bị bắn khi đang ở trên xe, rất may viên đạn đã không trúng.

Người ta đồn rằng Elizabeth có thể thuyết phục bất cứ ai bà muốn đầu tư vào công ty. Bà thậm chí nhận được một triệu đô la đầu tư từ một người hàng xóm cũ, người này từng kiếm được không ít nhờ đầu tư vào Hotmail.

Ban đầu, Elizabeth có thể phát triển công ty là nhờ vào danh tiếng của các nhà đầu tư, nhưng sau lại gặp khó khăn trong việc thuyết phục các nhà đầu tư chuyên về mảng y dược vì lúc này việc thiếu kiến thức dần lộ ra. Chuyện cũng không có gì lạ, bởi lẽ bà chỉ mới học đại học vài học kì. Với hầu hết các nhà khởi nghiệp ở mảng công nghệ, đây hẳn không phải là vấn đề. Ví dụ Mark Zuckerberg đã nắm rõ cách coding khi còn nhỏ, và vẫn có thể thành công dù chỉ học đại học một thời gian ngắn. Trái lại, y học và hóa học là những lĩnh vực yêu cầu phải tích lũy kiến thức và nghiên cứu vài thập kỉ mới có thể tạo ra bước đột phá.

Dù sao chăng nữa, đến cuối năm, Elizabeth đã gọi được số vốn 6 triệu đô la và ý tưởng của bà đã thay đổi. Việc xét nghiệm máu sẽ được thực hiện bởi một ống thử và hệ thống đầu đọc. Và đây là quy trình thực hiện. Bệnh nhân trích máu từ ngón tay, máu này sẽ được lưu lại trong ống thử. Đặt ống thử này vào máy để đọc các xét nghiệm. Máy của Theranos sẽ thực hiện các xét nghiệm ngay tại chỗ và bắn dữ liệu lên mạng, truyền đến phòng lab, nơi đội ngũ nhân viên sẽ phân tích kết quả và gửi báo cáo. Để so sánh, quy trình hiện tại là chích vein để lấy đầy một ống xi lanh máu rồi vận chuyển mẫu thử về phòng lab. Cách này phải dùng đến những máy móc có kích cỡ bằng vài máy photocopy thương mại, và các bác sĩ phải mất vài ngày mới có thể cho ra kết quả. Theranos muốn biến kích cỡ khổng lồ của các loại máy móc nói trên thu nhỏ chỉ bằng một máy tính bàn. Họ cũng biến quá trình xét nghiệm trở nên thoải mái hơn và hoàn toàn loại bỏ vai trò của các bác sĩ.

Trong lĩnh vực y tế này, có rất nhiều bộ phận máy móc được dùng để thực hiện các loại xét nghiệm trong quy trình xét nghiệm máu. Mỗi bộ phận máy lại được dùng cho một xét nghiệm khác nhau. Ví dụ, có xét nghiệm sẽ bắn tia sáng vào mẫu thử máu và đo đạc ánh sáng phản quang, một số loại khác lại cần thực hiện phản ứng hóa học. Đây chính là điểm đáng ngờ đồng thời cũng là vấn đề của Theranos. Có quá nhiều bước phải thực hiện, khiến cho một chiếc máy như Theranos quảng cáo trở nên phi thực tế.

Đầu tiên, các bộ phận máy sẽ gây cản trở lẫn nhau khi được đặt ở khoảng cách quá gần do vô số nguyên nhân, bao gồm nhiệt lượng, ánh sáng, hoạt động điện từ. Kế đến, để có đủ lượng mẫu thử chỉ từ một giọt máu trên đầu ngón tay, người ta phải pha loãng lượng máu đó. Nhưng các mẫu thử máu pha loãng sẽ đưa ra kết quả thiếu chính xác vì nó nằm ngoài phạm vi xác định của phần mềm.  Tóm lại, nếu muốn biến công nghệ nói trên thành hiện thực, Theranos phải tạo ra rất nhiều đột phá trong tất cả các loại xét nghiệm máu. Vậy mà trong khi thực hiện toàn bộ xét nghiệm trên, các nhân viên chỉ báo cáo với Elizabeth, người không có đủ kiến thức chuyên môn về y học.

Tua nhanh đến năm 2006, Theranos đi đến một bước ngoặt lớn với phiên bản thử nghiệm mang tên The Theranos 1.0. Elizabeth sau đó đã tuyển các kĩ sư thiết kế một phiên bản được gọi là Edison. Tuy nhiên, không một loại máy móc nào của Theranos có thể vận hành chính xác hay thực hiện được toàn bộ các xét nghiệm mà Elizabeth đã tuyên bố. Bà bắt đầu thúc giục quản lý đội kĩ sư tìm cách phát triển Edison 24/7. Khi người quản lý từ chối với lý do các kĩ sư vốn đã bị quá tải, Elizabeth lại tuyển thêm một đội kĩ sư tương tự, làm cho hai đội đấu đá trong cuộc chiến nhồi nhét máy móc. Đây thực ra cũng là chiến lược mà Steve Jobs đã sử dụng với nhân sự khi thiết kế máy tính Mac và iPhone. Nhưng ở Theranos, thua cuộc đồng nghĩa với bị sa thải.

Elizabeth cũng bắt đầu một số hành động bị đánh giá về mặt đạo đức, ví dụ như thực hiện một số xét nghiệm trên các bệnh nhân ung thư với công ty Pfizer. Bà biết rõ sản phẩm của mình không hiệu quả, nhưng vẫn khăng khăng cho thực hiện các bài xét nghiệm trên những người đang mắc bệnh hiểm nghèo. Để giải thích việc này nghiệm trọng ra sao, thông thường xét nghiệm máu được dùng để tăng hoặc giảm lượng thuốc, hoặc để chẩn đoán những tình trạng cần phải có biện pháp chữa trị ngay lập tức. Các bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm đến 70% để đưa ra quyết định. Nếu kết quả sai lệch, hậu quả có thể gây chết người. Lẽ dĩ nhiên, lý do duy nhất các cuộc thử nghiệm bệnh ung thư được thực hiện là do Elizabeth đã nói dối trắng trợn các nhà đầu tư và khách hàng sản phẩm của bà ta hiệu quả ra sao.

Cùng năm đó, CFO của Theranos phát hiện ra hành động gian trá của Elizabeth và tìm cách khuyên bà dừng tay. Thay vì chấp nhận, Elizabeth Holmes  sa thải vị giám đốc này ngay lập tức. Sau đó, Elizabeth không tuyển thêm giám đốc tài chính nào khác, và vị trí này vẫn để trống trong vòng một thập niên.


STEVE JOBS THỨ HAI

Năm 2007, Steve Jobs trở thành nhân vật nổi tiếng nhất Silicon Valley, và Elizabeth bắt đầu bị ám ảnh về ông. Thậm chí nhân viên còn phát hiện một mảnh báo được cắt ra trên bàn của bà nói về việc bà ta được ví như Steve Jobs thứ hai. Nỗi ám ảnh này đã khiến Elizabeth Holmes phát điên. Ví dụ sau khi biết Steve Jobs thường họp với nhóm Marketing vào thứ Tư, bà cũng làm y hệt với cùng công ty Marketing mà Steve hợp tác. Bà còn tuyển một số nhân viên Apple, bao gồm một trong những người bạn lâu năm nhất của Steve Jobs và là cựu phó chủ tịch cấp cao về phần mềm tại Apple, Avie Tevanian. Ông thậm chí đã tạm ngưng thời gian nghỉ hưu để gia nhập hội đồng Theranos. Hội đồng này cũng gồm toàn những nhân sự ưu tú trong đó Don Lucas, người từng dìu dắt nhà sáng lập Oracle, là chủ tịch.

Cho đến một ngày, Elizabeth muốn tái cấu trúc cổ phần công ty để cho phép bà ta có đa số quyền phiếu bầu. Cựu nhân viên Apple, cũng là một thành viên trong ban điều hành, Avie Tevanian, không cho đây là ý hay. Ông cũng xem xét những thông tin nhận được từ nhân viên về các vấn đề trong xét nghiệm, và cảm thấy mình cần phải ra tay. Ông đã tìm đến chủ tịch Don Lucas, nhưng sau cùng đành từ chức vì cảm thấy lời khuyên của mình chỉ như đàn gảy tai trâu. Elizabeth đã kiểm soát toàn bộ hội đồng quản trị trong tay. Elizabeth Holmes là một chuyên gia thao túng ở đẳng cấp cao.  Bà thường nói bằng tông giọng thấp để nghe có vẻ nghiêm túc hơn, nghe giống đàn ông và quyền lực hơn. Nhiều người cho rằng đây là giọng giả. Thỉnh thoảng, Elizabeth quên xuống giọng, ngay sau đó bà sẽ tìm cách hạ vài tông giọng xuống để giọng trầm, ồm và nặng hơn.

(Các bạn có thể tham khảo thêm video giọng của Elizabeth Holmes trên Youtube khá nhiều).

Chẳng bao lâu sau khi công ty chuyển đến một vị trí vàng ở thung lũng Silicon, một thành viên mới của đội sales phát hiện các ước tính tài chính đều dựa trên những xét nghiệm thí điểm thiếu trung thực. Vấn đề này được đưa ra hội đồng quản trị, một cuộc họp khẩn cấp đã diễn ra và Elizabeth bị sa thải. Chỉ hai giờ sau khi Elizabeth được thông báo về lệnh sa thải, bà ta đã thuyết phục hội đồng thu hồi lại quyết định này. Khả năng thuyết phục tài tình cũng là một lý do tại sao Theranos có thể tiến xa đến thế khi công nghệ của họ không thực sự hiệu quả.

Không lâu sau cuộc họp, Elizabeth đuổi tất cả những người đã tìm cách cảnh báo. Ở thời điểm này, việc nhân viên rời công ty hay bị đuổi đều là đã quá bình thường. Tất cả nhân viên đến từ Apple đã từ chức chỉ sau vài năm. Cũng trong khoảng thời gian này, một người bạn lâu năm của gia đình Elizabeth, ông Richard Fuisz đã sáng chế ra phương pháp truyền thông tin từ máy xét nghiệm máu đến các bác sĩ.

Sáng chế này là kết quả của sự tức giận cùng tự ái vì  Elizabeth đã không hề ngỏ ý nhờ Richard cố vấn khi bà thành lập Theranos, mà rõ ràng đây là một công ty thuộc lĩnh vực chuyên ngành của ông. Richard là một bác sĩ đồng thời làm một doanh nhân có tiếng, ông đã bán công ty sản xuất video minh họa hình ảnh ứng dụng trong ngành y tế của mình với cái giá 50 triệu đô la. Vài năm sau, ông đã ra tòa để tranh cãi với Theranos về sáng chế của mình. Ông gọi đây là những đòn đánh chí mạng dành cho Theranos. Tuy các sáng chế của Richard không thực sự hạ gục Theranos nhưng các hành động kiện tụng về sau của ông lại thực sự có hiệu quả.


‘SUNNY’ VÀ NHỮNG GIAN LẬN NGÀY MỘT TĂNG

Năm 2009, Sunny Balwani, vị tỉ phú nhập cư gốc Pakistan đã trở thành bạn trai của Elizabeth và gia nhập công ty với vai trò giám đốc điều hành thứ hai. Sunny vốn xuất thân từ ngành phần mềm và hầu như không có hiểu biết về quy trình vận hành của một công ty y tế. Ông ta tuyên bố từng viết 10 triệu dòng code khi còn làm ở Microsoft, nhưng trung bình một nhà phát triển ở Microsoft chỉ viết khoảng một nghìn dòng mỗi năm. Ông ta cũng khoe khoang về khối tài sản kếch xù và chỉ đi làm vì đam mê mà thôi. Sunny Balwani còn có thói quen sử dụng các từ chuyên ngành mặc dù không hiểu chút nào về đề tài đó.

Thông thường, các kĩ sư hay dùng từ chuyên ngành trong những hoàn cảnh không phù hợp rồi xem người khác có tiếp tục dùng như họ hay không. Sunny cũng vậy. Nhưng Sunny biết cách điều khiển người khác. Cả công ty đều phải e ngại ông ta. Ông liên tục sa thải nhân viên và bộc lộ tính nóng nảy ra bên ngoài.

Năm 2010, thung lũng Silicon nhận được rất nhiều dòng tiền đổ về. Facebook, Twitter và Uber đều bắt đầu tăng trưởng. Trong lúc đó, hai công ty Walgreens và Safeway cũng bắt tay với Theranos và thành lập các trung tâm sức khỏe. Đây là khu vực trong cửa hàng của các công ty này, nơi khách hàng có thể làm xét nghiệp máu. Theranos giới thiệu với Walgreens rằng máy Edison của họ có thể thực hiện 192 loại xét nghiệm. Tuy nhiên, chỉ có khoảng một nửa trong số đó là khả thi về mặt lý thuyết.

Bằng chứng duy nhất cho thấy chiếc máy này hoạt động được đến từ một bài đánh giá của Trường Đại học Y John Hopkins. Bài viết này chỉ dài hai trang giấy, tóm tắt lại một cuộc họp nơi Theranos trình bày cho đại diện trường một số kết quả dữ liệu. Không hề có một cuộc thực nghiệm nào trên máy được tiến hành, nhưng Theranos đang là tâm điểm chú ý, còn Walgreens lại lo sợ sẽ để mất cơ hội hợp tác vào tay đối thủ cạnh tranh.

Elizabeth còn gây ấn tượng với các giám đốc của Walgreens và Safeway đến nỗi họ tin vào từng lời bà ta nói. Tổng cộng, Walgreens và Safeway đã trao cho Theranos 105 triệu đô dưới hình thức đầu tư và cho vay. Vào khoảng thời gian này, Elizabeth nhận ra chiếc Edison chưa đủ tốt, do vậy bà quyết định đổ tiền vào miniLab, phiên bản thứ ba của loạt sản phẩm xét nghiệm máu.

Lúc này, Sunny Balwani đe dọa các nhân viên và theo dõi camera CCTV để xem họ làm việc trong bao lâu. Có lần, ông ta đòi chấn chỉnh một nhân viên sau khi phát hiện người này chỉ làm việc tám giờ một ngày. Elizabeth ủng hộ quyết định này và nói với các nhân viên nếu bất kì ai ở đây cho rằng mình không xây dựng nên phải sản phẩm vĩ đại nhất mà con người từng làm ra hay có nghi ngờ gì, họ có thể ra đi. Về cơ bản, những ai tán thành với Elizabeth đều được thăng chức, số người nghi ngờ đều bị đuổi.

Năm 2012, việc kinh doanh của Safeway không được tốt. Họ đã đổ ra 350 triệu đô la để đổi mới diện mạo cho toàn bộ các cửa hàng nhằm chào đón máy của Theranos. Đổi lại, cái họ nhận được là những lời xin lỗi và hoãn giao hàng liên tục. Đến khi Theranos bắt đầu tiếp nhận các mẫu thử của nhân viên Safeway, chúng được phân tích trên các máy xét nghiệm thương mại trong phòng lab của một bên thứ ba. Safeway đã bị dắt mũi và tạo ấn tượng rằng xét nghiệm được thực hiện trên máy Edison của Theranos.

Hầu hết các xét nghiệm không hề do thiết bị của Theranos thực hiện và do máy móc của bên thứ ba tiến hành.

Lúc bấy giờ, Elizabeth có biết rằng Theranos không thể chạy tất cả xét nghiệm ấy không? Câu trả lời là có.


NGÀY TÀN ĐÃ ĐẾN

Thời điểm này, vụ kiện giữa Theranos và bác sĩ Richard, người bạn hay ganh ghét của gia đình, cũng đến hồi cao trào. Richard cực kì tâm huyết muốn hạ gục Theranos. Ông ta thuê luật sư đã từng thực hiện vụ án công khai của Bill Gates với cái giá 1000 đô mỗi giờ. Điểm mấu chốt cho sự sụp đổ của Theranos là khi tòa gửi trát cho mời Ian Gibbons, trưởng nhóm hóa học Theranos từ năm 2005. Tháng 5 năm 2013, Theranos thông báo cho Ian rằng trong vòng hai ngày, ông ta sẽ bị gọi tham gia phiên tòa của Richard. Ian lo sợ lời khai của mình sẽ làm cho công ty rơi vào vòng nguy hiểm và tiết lộ những việc khuất tất. Số phận Ian ở Theranos khá thảm thương, cũng vừa bị giáng chức. Nhưng ông lo sợ nếu bị đuổi ở tuổi 67 mình sẽ không thể tìm được một công việc nào khác. Sáng hôm sau, Vợ của Ian, Rochelle, phát hiện ông đã dùng thuốc quá liều ở trong phòng tắm. Ông qua đời một tuần sau ở bệnh viện.

Quay lại với Theranos, minh chứng cho sự tàn nhẫn của mình, Elizabeth không hề nhận cuộc gọi báo tử từ Rachelle. Elizabeth chỉ báo cho một ít nhân viên rằng Ian đã mất và bâng quơ nhắc đến việc tổ chức tang lễ. Nhưng bà ta chẳng làm gì cả, và có lẽ chỉ nhắc đến cái chết của Ian cho qua mà thôi.

Sau khi tốn hết hai triệu đô vào vụ kiện, kết quả hòa giải là một cú đấm cực mạnh vào tự tôn của Richard. Điều này đã châm một ngòi nổ trong ông, mà dần dần về sau sẽ khiến Theranos tàn lụi.

Trong giai đoạn này, Theranos vẫn dùng máy xét nghiệm từ bên thứ ba, và cố gắng cải tiến máy móc của mình vô vọng. Họ đã tìm cách chồng sáu cái miniLab lên nhau để có thể thực hiện nhiều xét nghiệm. Phần nhiệt lượng thêm vào trên thực tế càng giảm độ chính xác của các xét nghiệm, nhưng Theranos không còn thời gian để phát triển công nghệ nữa. Họ đã hứa hẹn quá nhiều về sản phẩm của mình với cả thế giới, chưa kể một hợp đồng trị giá 140 triệu đô la với Walgreens buộc họ phải tung sản phẩm ra thị trường vào tháng 2 năm 2013. Họ đã trễ hẹn bốn tháng. Những lời nói dối vẫn không ngừng lại. Dự báo tài chính mà Sunny gửi cho các nhà đầu tư có mức giá cao hơn đến 10 lần so với dự báo nội bộ công ty. Họ đã làm giả mọi số liệu vì Theranos không hề có CFO trong vòng 7 năm kể từ khi người cuối cùng bị sa thải.

Hội đồng quản trị Theranos vẫn gồm những nhân vật có uy tín cao  khiến cho không một ai nghi ngờ công ty này. Thành viên hội đồng bao gồm cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ George Shultz, và Ngoại trưởng quốc phòng tương lai Jim “Maddog” Mattis. Trong giai đoạn này, Theranos có mối quan hệ chính trị khá sâu sắc, Elizabeth thậm chí còn mời được Hilary Clinton đứng lên kêu gọi gây quỹ cho một hoạt động năm 2016. Tiền cứ thế ào ạt đổ vào Theranos. Partner Fund đã mua 90 triệu đô tiền cổ phiếu, Rupert Murdoch bỏ ra 125 triệu đô, Walmart Brother đầu tư 150 triệu đô, và Devos Family cũng gia nhập với 100 triệu đô. Lúc này đây, Theranos có giá trị tương đương 9 tỉ đô la Mỹ, trong đó Elizabeth đã chiếm đến 5 tỷ đô la.

Sai sót trong công nghệ của Theranos không còn là bít mật trong nội bộ công ty, nhưng các nhân viên lại không dám làm gì cả vì họ sợ Sunny, Elizabeth, hoặc các luật sư Theranos sẽ trả thù. Họ phải kí cam kết giữ bí mật khi mới vào làm, và khi họ rời đi, chính cam kết này cũng làm rất nhiều người phải chùn tay.

Tyler Shultz, cháu trai của thành viên hội đồng quản trị George Shultz lại ở vị trí có nhiều quyền hạn hơn. Anh nhận ra vấn đề của Theranos. Sau khi khuyên nhủ Sunny và Elizabeth bất thành, anh từ chức. Anh đã tìm cách nói chuyện với ông mình về sai sót của máy Edison, về các bài kiểm tra chất lượng không đạt chuẩn. Anh cũng kể về việc Theranos đã dắt mũi mọi người bằng cách xét nghiệm mẫu máu bằng máy móc của bên thứ ba chứ không phải máy Edison của họ.

Bằng một  cách nào đó, Elizabeth dường như đã phù phép lên George Shults, khiến ông gạt đi mọi lời nói của cháu trai mình.


ELIZABETH VÀ THAM VỌNG

Vào giữa năm 2014, tạp chí Fortune ra mắt trang bìa mang tiêu đề ‘Vị CEO luôn nỗ lực vì máu’, đây là bệ phóng đưa Elizabeth lên hàng sao. Cũng từ đó Elizabeth Holmes thường xuyên xuất hiện trên truyền thông. Forbes, USA Today, NPR, Fox Business, CNBC, CNN, và CBS News đều lần lượt đưa tin về thành công của vị tỉ phú tự thân trẻ nhất thế giới này. Barack Obama từng chọn Elizabeth làm đại sứ khởi nghiệp toàn cầu của Mỹ và bà cũng được bổ nhiệm vào ban học thuật tại Đại học Y Havard.

Elizabeth rất yêu thích sự nổi tiếng. Bà ta tăng cường đội vệ sĩ lên 20 người, tái thiết kế phòng làm việc cho giống phòng Bầu dục của tổng thống và lắp toàn kính chống đạn. Elizabeth cũng từng thuyết trình trên TedTalk về ý tưởng thay đổi thế giới. Bà nói trong tương lai gần, sẽ không ai phải giã từ cuộc sống quá sớm nữa và tiếp tục kể một câu chuyện lấy nước mắt khán giả về người cậu đã qua đời do mắc bệnh ung thư. Dĩ nhiên, chuyện ở TedTalk chỉ là một vở kịch. Trên thực tế, Elizabeth chẳng hề thân thiết với cậu mình và chỉ lợi dụng cái chết của ông để làm nền cho câu chuyện của mình mà thôi.


PHẦN 2: SỰ THẬT LUÔN CHIẾN THẮNG

Trong lúc này, mồi lửa cho quả bom phá hủy Theranos vẫn đang từ từ cháy. Richard đã tập hợp được một nhóm người hoài nghi về Theranos, bao gồm vợ của Ian quá cố, Rachelle. Họ thu thập thông tin và đưa đến cho phóng viên John Carreyrou của tờ Wall Street. Khi John tiến hành điều tra, vô số nguồn tin cùng các cựu nhân viên đã lộ diện. Họ đều cung cấp thông tin dưới dạng ẩn danh. Theranos liền tìm cách tấn công bất kì ai tiết lộ. Họ đã dùng đến sức mạnh đồng tiền và đe dọa sẽ kiện bất kì ai khác dám trả lời tờ Wall Street. Họ còn thuê thám tử tư theo dõi những người đáng ngờ. Tờ Wall Street còn nhận được nhiều thư đòi dìm vụ việc và hăm dọa sẽ đưa họ ra tòa vì tội phỉ báng. Rupert Murdoch, ông chủ của tờ Wall Street, cũng là một nhà đầu tư vào Theranos bị Elizabeth yêu cầu phải đích thân ngừng ngay vụ việc. Ông từ chối và cho biết ông tin tưởng các biên tập viên có thể đối mặt với sự thật, dù sự thật ấy có ra sao chăng nữa.

Có thể thấy Theranos phản ứng khá gay gắt, dù lúc này câu chuyện vẫn chưa hề được đưa ra ánh sáng. Theranos vẫn hoạt động như bình thường, Elizabeth thường xuyên xuất hiện ở Nhà Trắng. Nhưng dưới vỏ bọc ấy, máy của họ vẫn chỉ thực hiện được một vài xét nghiệm và trong số ít ỏi đó vẫn có nhiều sai sót ở kết quả.

Theranos tiếp tục biểu diễn cách dùng MiniLab cho các khách VIP, họ trích máu ở ngón tay khách, đợi cho khách rời đi rồi dùng máy của bên thứ ba để phân tích kết quả. Phó tổng thống Joe Biden cũng từng đến Theranos, ông được đưa đến một phòng lab giả vốn được lập ra cho chuyến viếng thăm này. Ông vô cùng ấn tượng, nói rằng đây chính là phòng lab của tương lai và khen ngợi Theranos.

Sự thật đen tối về Theranos cuối cùng cũng được vén mở trên tờ Wall Street số ngày 15 tháng 10 năm 2015. Đây là một cú nổ lớn. Tất các các báo lớn khác cũng đều đưa tin theo. Người ta bắt đầu đặt dấu hỏi về Theranos và các bí mật ở đây. Elizabeth vẫn vững vàng đáp trả, không hề né tránh các câu hỏi mà thay vào đó tiếp tục nói dối công chúng. Có vẻ như Elizabeth cho rằng mọi người sẽ tin mình lần nữa. Nhưng lần này, mọi chuyện đã khác. Mọi người đều đặt câu hỏi hết sức nghiêm túc.

HẾT GIỜ!

Ngay khi bài báo được đăng lên, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA đã thanh tra bất ngờ Theranos. Các điều tra chuyên sâu cho thấy máy xét nghiệm máu Edison của Theranos chỉ có thể thực hiện 12 trên 250 xét nghiệm và cho dù vậy, kết quả của các xét nghiệm này cũng vô cùng thất thường. Theranos giờ đây đã hoàn toàn mất kiểm soát. Elizabeth chia tay Sunny Balwani và sa thải ông ta. Một cuộc điều tra hình sự đã được tiến hành, ngay cả Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ cũng phải vào cuộc. Các nhà đầu tư lần lượt đưa Theranos ra tòa. Partner Fund khởi kiện để lấy lại số tiền một trăm triệu đô còn Walgreens  là 140 triệu đô. Elizabeth buộc phải ra hầu tòa và phải trả 4.5 triệu đô cho bang Arizona nơi hầu hết các bệnh nhân bị xét nghiệm. Theranos đã gian dối trên gần một triệu kết quả xét nghiệm. Mười bệnh nhân cũng đâm đơn kiện Theranos về tội lừa gạt phương thức điều trị. Nhưng điều sốc nhất chính là, sau tất cả mọi việc, Elizabeth chưa hề đưa ra bất kì lời xin lỗi nào. Có lẽ với bà ta, đây đơn giản chỉ là chút sai sót có thể sửa chữa.


PHẦN KẾT

Vậy là cả Elizabeth và Sunny đều biết họ đang làm gì, dối gạt  các nhà đầu tư, khách hàng, pháp luật, bệnh nhân và thậm chí cả hội đồng quản trị của chính công ty. Ngoài họ ra, không một ai khác phải chịu tội vì không nhận ra sai phạm sớm hơn. Ngay cả hội đồng quản trị, gồm toàn những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm đã hoàn toàn bị thao túng và trao cho Elizabeth 99.7% quyền phiếu bầu .

Xét trên những gì ta đã biết, có lẽ Elizabeth Holmes mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, bà sẵn sàng bất chấp tất cả để làm cho công ty mình thành công, mặc kệ bất kì ai hay thứ gì cản trở và chẳng ai biết được những lời nói dối kia có thể đi xa tới mức nào. Elizabeth vẫn luôn tươi cười ngay cả khi sự thật đã được tiết lộ.

Hành động của Elizabeth có thể là một ví dụ cho vấn nạn của xã hội đương đại khi nhu cầu thành công, hoặc ít nhất là thành công ở bề ngoài, áp đảo mọi việc khác. Ngoài ra, còn một sai lầm khác đáng nói đến ở đây. Sai lầm này nằm ở chính con người chúng ta. Đó chính là ảo giác khi bạn cứ lặp lại một lời nói dối đủ nhiều, người ta sẽ dần tin nó có thật, đặc biệt nếu bạn có đủ những cái tên đáng tin cậy bảo chứng cho sản phẩm. Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) đã có phán quyết với Elizabeth vào tháng Ba năm 2018. Elizabeth mất quyền kiểm soát phiếu bầu, buộc phải giao lại số cổ phần cá nhân và bị cấm làm nhân viên hay giám đốc của bất kì công ty công nào trong vòng 10 năm. Sunny vẫn chưa nhận được phán quyết từ Ủy ban SEC. Sunny và Elizabeth đều bị cáo buộc tội phạm hình sự trong các phiên tòa vẫn chưa diễn ra tại thời điểm video này được đăng tải. Cả hai đều kháng cáo và mỗi người phải đối mặt với 20 năm tù. Theranos bị giải thể vào tháng 9 năm 2018.


LỜI NÓI CUỐI

Vậy một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ là nếu như Theranos vẫn còn, liệu họ có thành công hay không? Liệu máy xét nghiệm máu của họ sẽ có ngày hoạt động hiệu quả hay không?

Trên thực tế, câu hỏi này khó trả lời hơn ta nghĩ. Khi Theranos ty cạn tiền, họ tìm cách thí nghiệm trên bệnh nhân thật để làm bằng chứng và thu được nhiều tiền đầu tư hơn. Dĩ nhiên, đây vốn là nguyên nhân khiến công ty này sụp đổ. Nhưng cứ cho là họ được nhận tiền mà không phải làm thí nghiệm trên bệnh nhân thì máy MiniLab đã được công khai kia cũng chỉ tốt hơn chút đỉnh so với máy Edison dù rằng Theranos đã phải tiêu tốn đến hàng trăm triệu đô la. Do vậy, khả năng một công ty có thể thành công trên con đường này là gần như không có.

Đến đây, câu chuyện về Theranos cũng đã kết thúc. Có lẽ câu chuyện đã làm bạn mất đi chút ít niềm tin vào con người, tuy nhiên nếu bạn muốn xem những đột phá và nghiên cứu chân chính trong ngành y, ví dụ như các robot nano được dùng trong chữa trị ung thư đã thành công trên chuột thí nghiệm, hoặc tế bào gốc được tiêm trực tiếp vào não người bị đột quỵ, cho phép họ hồi phục ở mức chưa từng thấy, thậm chí còn giúp một người vẫn luôn ngồi xe lăn đi lại được. Đây là một trong số những tin tức thú vị vẫn bị dìm đi trong biển tin tức hằng ngày.

Cảm ơn và tạm biệt trong các bài phân tích sau!


Người dịch: Quỳnh Châu

Bài gốc: ColdFusion

Biên tập bởi ECOMME, vui lòng dẫn nguồn khi chia sẻ bản dịch ~ From ECOMME with LOVE!