logo (30)

Chẳng cứ trẻ em hay fan ruột nhà Disney thích truyện cổ tích. Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đề cập nhiều đến kiểu content mang tính kể chuyện (storytelling). Truyện cổ tích có lẽ sẽ giúp ích được giới Marketer đôi phần. Đâu phải tự nhiên mà những câu truyện cách nay hàng trăm năm, vẫn có sức sống mãnh liệt và được truyền lại từ đời này qua đời khác một cách hăng say đến vậy.

“Tiếp thị không còn là về những thứ bạn tạo ra, mà là về những câu chuyện bạn kể” – Seth Godin

Ai cũng có một câu chuyện để kể, dù làm kinh doanh cá nhân, làm ở SME hay big corp. Là marketer, ta dễ dàng tạo tác câu chuyện của riêng mình, mạng xã hội giống như bức canvas, nó cho phép ta thỏa sức truyền tải ngôn từ, hình ảnh và thậm chí cả video một cách dễ dàng.

Để bắt đầu, hãy xác định loại câu chuyện muốn kể, câu chuyện gồm những phần nào, bao gồm những gì, phần nào là phần quan trọng?

Truyền tải thông điệp đơn giản nhất có thể

Điểm đặc biệt ở truyện cổ tích đó là tổng thể đơn giản và dễ hiểu đối với trẻ em.

Một thông điệp đơn giản không chỉ tránh gây ra sự hiểu nhầm mà còn thu hút được rộng rãi người đọc hơn. Khách hàng không cần những từ bay bướm. Họ cần mọi thứ đơn giản, vào thẳng vấn đề, nói họ biết những gì bạn đang làm và những gì bạn muốn họ làm. Nếu thông điệp được truyền tải dễ hiểu kèm chút khéo léo, khách hàng dễ chia sẻ thông điệp với người khác và tăng cơ hội gắn kết với thương hiệu về sau.

Các nhân vật

Nhân vật chính: Thương hiệu

Ví dụ, hãy nghĩ về những công chúa của Disney. Các cô đều được xây dựng với đặc điểm thật rõ ràng (màu sắc đặc trưng, tài năng hay phép thuật độc đáo, bạn tri kỷ,…). Mà qua những đặc điểm này, khi đọc sách hoặc xem phim, bạn ngay lập tức dễ dàng nhận ra nhân vật. Trong truyện, bạn có thể phân biệt những nhân vật qua cách nói chuyện đặc trưng. Việc bạn có nội dung dễ hiểu và có tính đặc trưng sẽ giúp khách hàng tìm ra content của bạn giữa bạt ngàn bài viết trên mạng khi họ lướt web.

Content cần phải có chất riêng. Không. Điều này không có nghĩa là bạn phải chèn logo lên mọi thứ, nhưng nội dung của bạn phải nhất quán với giá trị mà thương hiệu xây dựng, nhất quán về các yếu tố thiết kế, có thể bằng màu sắc, phông chữ. Hãy khiến cho khách hàng có thể nhận ra đó là bạn mà không cần nhìn logo hay tên doanh nghiệp.

Người hùng: Khách hàng

Một câu chuyện tuyệt vời sẽ khiến cho người đọc muốn là một phần của nó. Đó là lý do tại sao trẻ con thích bắt chước và hành động như thể chúng là nhân vật trong truyện vậy. Chúng muốn trở thành một phần của câu chuyện. Khách hàng của bạn cũng thế.

Cố gắng phác thảo nội dung sao cho tạo ra cơ hội để khách hàng hòa mình vào câu chuyện của bạn, điều đó sẽ tạo ra sự gắn kết. Từ đây khách hàng có thể thêm gắn bó và trở nên trung thành với doanh nghiệp bạn.

“The Never Ending Story” là một bộ phim có cốt truyện khá hay, kiểu cốt truyện có nhân vật chính dạng anh hùng có thể cứu cả thế giới đó rất thu hút.

Nhân vật phản diện: Bất cứ điều gì đe dọa đến thương hiệu của bạn

Thương hiệu của bạn không sớm thì muộn sẽ bị đe dọa, có thể là những đánh giá không tốt, sự suy thoái kinh tế, trái ngược văn hóa, và bất cứ điều gì khác mà tin tức có thể ném thẳng vào bạn. Trong truyện, khi xuất hiện nhân vật phản diện, bạn có thể tập trung kể nhiều về nhân vật chính, hành trình họ đánh bại kẻ phản diện và chiến thắng.

Các thương hiệu có thể chọn cách ngó lơ kẻ địch, chiến đấu trực diện, giải quyết trong thầm lặng hay lợi dụng họ như một cơ hội để chứng tỏ sự minh bạch của thương hiệu sau đó kêu gọi khách hàng như những anh hùng đến trợ giúp bạn. Các fans trung thành thường là những người lính tiên phong dũng mãnh trong câu chuyện, hỗ trợ giải vây bạn khỏi tình thế tiêu cực.

Đa dạng tuyến nhân vật: Những người làm nên thương hiệu ngoài CEO và Founder

Hãy giới thiệu về những người khiến thương hiệu của bạn đặc biệt. Khách hàng muốn xem những người đã tạo nên thương hiệu mà họ yêu thích. Giống như truyện cổ tích, thương hiệu của bạn được tạo thành nhờ sự quyến rũ, hài hước và những nhân vật tuyệt vời mà cả khách hàng và khán giả đều yêu quý. Hãy tôn vinh họ. Điều này không chỉ thể hiện rằng bạn coi trọng những người làm việc cho bạn mà còn nhân cách hóa thương hiệu. Thương hiệu không chỉ là một logo. Hãy cho mọi người biết, ai đã đem thương hiệu của bạn tới cuộc sống.

Khoảnh khắc gây xúc động

Nhân vật chính phải đối mặt với thử thách hoặc trở ngại. Nó có thể là hậu quả của một quyết định sai lầm, một lời nguyền hoặc một ai đó làm cho cuộc sống của nhân vật/ doanh nghiệp khó khăn hơn, nhưng đến cuối cùng, điều quan trọng là cách mà nhân vật đối mặt với vấn đề và tới gần cái kết có hậu.

Điều này cũng đúng với một thương hiệu. Nếu bạn bị cộng đồng gõ phím ghét bỏ, khủng hoảng truyền thông, hoặc bị phàn nàn về trải nghiệm khách hàng tồi tệ, cách bạn giải quyết cuộc khủng hoảng này sẽ là đòn quyết định đến việc người khác nhìn bạn như thế nào, và liệu câu chuyện của bạn có một cái kết có hậu hay không. Những trở ngại giúp nhân cách hóa nhân vật chính và thương hiệu.

Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu bạn trở thành một marketer giỏi vào thời điểm thích hợp.

Kết thúc: Bi kịch hay hạnh phúc mãi mãi về sau

Đã đến lúc câu chuyện kết thúc. Kẻ phản diện bị đánh bại. Nhân vật chính được cứu và anh hùng chiến thắng.

Đối với các thương hiệu, điều này xảy ra khi  hành trình của người mua kết thúc, họ đã có sản phẩm hoặc dịch vụ của chúng ta và họ hài lòng với nó. Họ thấy thích thú. Khách hàng được nhận phần thưởng nhờ việc trở thành anh hùng giúp “cứu rỗi” doanh nghiệp. Khách hàng nhận thấy mình đã đưa ra sự lựa chọn đúng đắn.

Câu “Họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau” có tác động mạnh vì nó truyền khát vọng. Đó là thứ mà tất cả chúng ta đều muốn, nhưng trong mắt của một đứa trẻ, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Tất cả trẻ em đều tin rằng rồi sau này chúng cũng có thể hạnh phúc mãi mãi về sau.

Đối với khách hàng, bạn cần khiến họ tin rằng họ cũng sẽ có được điều đấy, và bạn cần chắc chắn rằng thông điệp đó được truyền tải tới họ. Khi bạn mang tới những trải nghiệm khách hàng khác biệt, thứ mà họ không thể có được ở những nơi khác, nó sẽ trở thành lý do chính khiến khách hàng quay trở lại với bạn. Đó chính là cảm giác tràn đầy hy vọng và tin tưởng.

Mạng xã hội có đủ các thể loại nội dung. Có quá nhiều content, nhưng lại thiếu các câu chuyện. Hãy thử làm một người kể chuyện, bắt những giấc mơ của khách hàng… và truyền tải chúng.

Ngày xửa ngày xưa, có một…


Nguồn: Medium

Người dịch: Liên Phương Nguyễn

Biên tập bởi ECOMME, vui lòng dẫn nguồn khi chia sẻ ~ From ECOMME with LOVE!